Phát động Cuộc thi “Em yêu Lịch sử xứ Thanh” lần thứ nhất năm học 2016-2017
Thứ năm - 10/11/2016 09:57
Thực hiện Quyết định 986/QĐ-UBND ngày 24/3/2015 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và phát động Cuộc thi “Em yêu lịch sử Xứ Thanh”.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị cơ sở tổ chức triển khai, phát động Cuộc thi với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH CUỘC THI
- Triển khai và thực hiện Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học trên bàn tỉnh.
- Tạo điều kiện để học sinh trung cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và Giáo dục thường xuyên (GDTX) tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân Thanh Hóa, từ đó nâng cao lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, trên cơ sở đó xác định ý thức trách nhiệm của người công dân tương lai tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và quê hương Thanh Hóa nói riêng ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
- Giúp học sinh các trường phổ thông trong tỉnh hứng thú và say mê học tập môn Lịch sử, tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
II. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
Học sinh hiện đang học tập tại các trường THCS, THPT và Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh.
III. NỘI DUNG CUỘC THI
Học sinh dự thi phải trả lời các câu hỏi sau đây:
Câu 1: Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Vùng Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) được xem là cái nôi sản sinh ra vua chúa Việt. Bằng những kiến thức lịch sử đã học, em hãy trình bày hiểu biết của mình về một trong các vị vua, chúa xứ Thanh mà em yêu thích nhất.
Câu 2: Học giả người Pháp L.Bơdatxie nhận xét: “Công trình này là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam” (Phan Đại Doãn: Những bàn tay tài hoa của cha ông - NXB Giáo dục 1988). Ngày 27 - 06 - 2011, Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận công trình này là Di sản văn hóa thế giới. Đó là công trình nào? Em hãy đóng vai một hướng dẫn viên du lịch để giúp cộng đồng hiểu biết về công trình này.
Câu 3: Triệu Thị Trinh có một câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Bằng kiến thức lịch sử đã học, em hãy làm rõ truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người xứ Thanh.
Câu 4: Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập như thế nào? Hãy nêu những hiểu biết của em về một người Cộng sản Thanh Hóa mà em ấn tượng nhất?
Câu 5: Ngày 20/2/1947, Bác Hồ vào thăm Thanh Hóa đã căn dặn: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là là tỉnh kiểu mẫu , làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, sau 30 năm đổi mới (1986-2016) Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Em hãy nêu một thành tựu nổi bật nhất góp phần đưa Thanh Hóa từng bước trở thành tỉnh kiểu mẫu. Liên hệ trách nhiệm bản thân?
* Yêu cầu:
- Các câu trả lời được trình bày ngắn gọn, đánh máy vi tính một mặt trên khổ giấy A4 (Bài dự thi không quá 20 trang).
- Trong các bài dự thi, khuyến khích những bài có hình ảnh minh họa, phù hợp với nội dung. (Hình ảnh minh họa không tính vào số trang bài thi).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo và ban tổ chức các cấp
- Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi;
- Các phòng GDĐT, trường THPT và Trung tâm GDTX thành lập Ban Tổ chức, Ban giám khảo Cuộc thi.
2. Tổ chức cuộc thi
- Các phòng GDĐT, trường THPT, Trung tâm GDTX phát động Cuộc thi tới toàn thể học sinh.
- Các đơn vị tổ chức thu, nhận, chấm sơ khảo các bài dự thi của học sinh và lựa chọn những bài dự thi có chất lượng tốt nhất gửi về Ban tổ chức Cuộc thi để tham gia chấm chung khảo.
Số lượng bài thi gửi về Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh được quy định như sau: Phòng GD&ĐT: 30 bài/đơn vị; Trường THPT: 10 bài/đơn vị; Trung tâm GDTX: 05 bài/đơn vị
- Sở GDĐT nhận bài dự thi của các đơn vị, chấm chung khảo cấp tỉnh, tổ chức Lễ tổng kết và trao thưởng.
- Các bài dự thi của các đơn vị gửi về theo địa chỉ: Ban tổ chức Cuộc thi “Em yêu Lịch sử Xứ Thanh”, Phòng GDTrH - Sở GD&ĐT, 02 Hà Văn Mao, P. Ba Đình, TP Thanh Hóa.
- Bài dự thi phải ghi rõ các thông tin: Họ và tên, lớp, trường, huyện, dân tộc.
3. Thời gian tổ chức thi
- Thời gian phát động Cuộc thi : Ngày 14/11/2016.
- Thời gian thu, nhận bài dự thi và chấm sơ khảo tại các phòng GDĐT, trường THPT và TTGDTX: Từ ngày 10/12/2016 đến hết ngày 13/12/2016.
- Thời gian nhận bài dự thi tại Sở GDĐT: Ngày 15/12/2016.
- Lễ Tổng kết và trao giải thưởng sẽ tổ chức vào cuối tháng 12 - 2016.
V. KHEN THƯỞNG
Cơ cấu giải thưởng Cuộc thi gồm có:
1. Giải cá nhân
- Giải Nhất: 04 giải (02 giải dành cho cấp THCS và 02 giải dành cho cấp THPT).
- Giải Nhì: số giải không hạn chế, tùy theo chất lượng bài dự thi.
- Giải Ba: số giải không hạn chế, tùy theo chất lượng bài dự thi.
- Giải Khuyến khích: số giải không hạn chế, tùy theo chất lượng bài dự thi.
Các cá nhân đạt giải chính thức được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Giấy chứng nhận và trao thưởng. Giải Khuyến khích được cấp Giấy chứng nhận.
2. Giải tập thể
Ban Tổ chức Cuộc thi có phần thưởng dành cho các tập thể có nhiều bài dự thi đoạt giải và tổ chức Cuộc thi tốt nhất.
VI. kinh PHÍ
Kinh phí tổ chức Cuộc thi và khen thưởng sử dụng từ nguồn Ngân sách và các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân cho đơn vị tổ chức Cuộc thi.
cho em hỏi là nếu là tranh anh thì lào loại có màu hay không màu cũng được ạ !!!
em cảm ơn !